
Chế độ bảo hiểm xã hội là cần thiết đối với mỗi người lao động trong quá trình tham gia làm việc. Vậy người lao động cần làm gì để hưởng quyền lợi BHXH sau khi nghỉ việc tại công ty. Hãy cùng lambaohiem.com tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Lấy sổ BHXH và các giấy tờ chứng minh việc nghỉ việc
Theo quy định tại khoản 3, Điều 47 Bộ Luật Lao động năm 2012, sau khi người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác đã giữ của người lao động gồm:
- Quyết định thôi việc;
- Quyết định sa thải;
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Khi nghỉ việc, nếu đủ điều kiện người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc BHXH một lần
Đây là một trong số những giấy tờ quan trọng, bắt buộc phải có để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 6, Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.
Xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
Trong thời gian thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động cùng với hỗ trợ người lao động khi tìm kiếm việc làm mới, học nghề…
Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, bảo hiểm thất nghiệp gồm các quyền lợi sau đây: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm; hỗ trợ việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần
Người lao động có thể nhận BHXH 1 lần bất cứ khi nào có yêu cầu và đáp ứng đủ điều kiện (xem chi tiết) đồng nghĩa với việc không tiếp tục tham gia đóng BHXH căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.
Khi đó, mức hưởng BHXH 1 lần của người lao động đã nghỉ việc được tính căn cứ theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014;
- 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, người lao động sau khi nghỉ việc sẽ không được tiếp tục đóng BHXH bắt buộc cho đến khi làm công việc mới. Khi đó người lao động có thể:
Bảo lưu thời gian đóng BHXH
Theo Điều 61 Luật này, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Đồng thời, về việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, tại khoản 5, Điều 3 Luật BHXH 2014 quy định: Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH.
Do đó, người lao động có thể lựa chọn cách bảo lưu thời gian đóng BHXH bởi khi tham gia BHXH bắt buộc người lao động được hưởng nhiều chế độ hơn như: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
Sau này, khi tìm được việc làm mới thì người lao động có thể tiếp tục đóng BHXH bắt buộc và được cộng dồn thời gian đóng BHXH trước đó.
Tham gia BHXH tự nguyện
Điều kiện tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Luật BHXH 2014.
Người lao động có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (tạm trú hoặc thường trú) theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1, Điều 3 Quyết định 959 để được hưởng lương hưu và chế độ tử tuất.
Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở:
- Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: 700.000 đồng/người/tháng (theo điểm a, khoản 1, Điều 1 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg );
- Mức lương cơ sở tính đến thời điểm năm 2020 là 1,6 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Do đó, 20 lần mức lương cơ sở là 32 triệu đồng/tháng.
Như vậy, người lao động sau khi nghỉ việc cần căn cứ theo tình trạng cụ thể để quyết định các việc cần làm để được hưởng quyền lợi BHXH sau nghỉ việc mà người lao động đã tham gia trước đó mang lại.
Chúc bạn đọc thành công và sớm tìm được công việc như ý!
Có thể bạn đọc quan tâm:
Để lại một phản hồi Hủy