Nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh góp phần hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm và bù đắp phần thu nhập khi bị mất việc làm. Vậy nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu? Mời bạn hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp người tham gia được hưởng

Các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định tại Điều 42, Luật Việc làm cụ thể gồm có:

  • Chế độ trợ cấp thất nghiệp.
  • Chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
  • Chế độ hỗ trợ học nghề.
  • Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên để hưởng các chế độ của BHTN người lao động phải đáp ứng những quy định cụ thể về thời gian tham gia BHTN, hoàn cảnh cụ thể đối với từng trường hợp thất nghiệp và các yêu cầu khác liên quan đến hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Quy định về nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động đủ điều kiện, muốn hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cần làm hồ sơ hưởng theo quy định của pháp luật. Theo đó nơi nộp hồ sơ được quy định như sau:

Nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập (Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013). 

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng có quy định về nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

“1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp”

Như vậy, căn cứ vào quy định hiện tại nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động muốn nhận trợ cấp và trung tâm dịch vụ việc làm này do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật

Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật

Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm có:

  1. Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
  2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
  3. Bản chính sổ bảo hiểm xã hội

Nơi nộp hồ sơ hưởng chế độ hỗ trợ học nghề 

Bên cạnh chế độ trợ cấp thất nghiệp thì chế độ hỗ trợ học nghề cũng được người lao động quan tâm. Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 47, Luật Việc Làm 2013.

Người lao động phải nộp đơn đề nghị hỗ trợ học nghề trực tiếp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Cụ thể:

Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề gửi cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối với người thất nghiệp có thời gian đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp BHTN: nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động có nhu cầu học nghề.

Thành phần hồ sơ căn cứ theo từng trường hợp:

  1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người đang đóng BHTN gồm:
  • Đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu quy định
  1. Hồ sơ đối với người thất nghiệp có thời gian đóng BHTN từ đủ 09 tháng trong thời hạn 24 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: 
  • Đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu  quy định
  • Sổ bảo hiểm xã hội
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc/sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Bên cạnh việc nộp hồ sơ trực tiếp tại trung tâm dịch vụ việc làm, hiện nay người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia theo Công văn số 1399/LĐTBXH-VL năm 2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được việc nộp hồ sơ Online người lao động bắt buộc phải có tài khoản cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Trên đây là thông tin về nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp từ Làm bảo hiểm EBH, nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm, người lao động có thể trực tiếp liên hệ đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi mình muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp để được hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn chi tiết.

Thu Hương – EBH

TIN LIÊN QUAN

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*