Tham gia bảo hiểm xã hội là quyền lợi chính đáng của người lao động. Vậy người lao động được hưởng những quyền lợi BHXH sau khi nghỉ việc tại công ty nào? Hãy cùng Làm bảo hiểm tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Quyền lợi BHXH sau nghỉ việc của người lao động
Người lao động khi nghỉ việc có quyền hưởng một số quyền lợi bảo hiểm xã hội. Dưới đây là những điểm cần người lao động cần lưu ý:
(1) Nhận lại các giấy tờ chứng minh nghỉ việc:
Sau khi nghỉ việc, người lao động cần lấy các giấy tờ chứng minh nghỉ việc. Các giấy tờ này có thể bao gồm:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Quyết định thôi việc, sa thải, kỷ luật buộc thôi việc.
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Đây là những giấy tờ quan trọng, bắt buộc phải có để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 6, Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 47 Bộ Luật Lao động năm 2012, sau khi người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ BHXH, trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác đã giữ của người lao động để họ có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp.
(2) Chốt sổ và nhận lại sổ bảo hiểm xã hội:
– Người lao động sau khi nghỉ việc cần thông báo đến doanh nghiệp yêu cầu được chốt sổ bảo hiểm xã hội. Trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động.
– Sau khi được chốt sổ BHXH tại công ty cũ, người lao động mới có thể tiếp tục đóng BHXH tại nơi làm việc mới.
(3) Hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp:
– Trong trường hợp người lao động nghỉ việc hoặc thất nghiệp mà chưa tìm được công việc mới, nếu đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, họ có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
– Quyền lợi hưởng BHTN căn cứ theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013 bao gồm:
- Tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
- Hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Lưu ý: Để được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc, người lao động cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Việc làm năm 2013.
(4) Rút bảo hiểm xã hội 1 lần:
Người lao động có thể rút BHXH 1 lần khi có yêu cầu và đáp ứng đủ điều kiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không tiếp tục tham gia đóng BHXH, căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Khi đó, mức hưởng BHXH 1 lần của người lao động đã nghỉ việc được tính căn cứ theo số năm than gia và mức đóng BHXH.
(5) Bảo lưu thời gian đóng BHXH:
Theo Điều 61 Luật này, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Đồng thời, về việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, tại khoản 5, Điều 3 Luật BHXH 2014 quy định:
Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng.
Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH.
Do đó, người lao động có thể lựa chọn cách bảo lưu thời gian đóng BHXH bởi khi tham gia BHXH bắt buộc người lao động được hưởng nhiều chế độ hơn như: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
Sau này, khi tìm được việc làm mới thì người lao động có thể tiếp tục đóng BHXH bắt buộc và được cộng dồn thời gian đóng BHXH trước đó.
(6) Tham gia BHXH tự nguyện:
Điều kiện tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Luật BHXH 2014. Người lao động có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại các tổ chức dịch vụ thu BHXH hoặc cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (tạm trú hoặc thường trú)
Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Trên đây là những quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội người lao động có thể được nhận sau khi nghỉ việc. Làm bảo hiểm hy vọng có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích nhất. Nếu bạn có thắc mắc cần được giải đáp có thể để lại ý kiến dưới phần bình luận để được trợ giúp.
Có thể bạn quan tâm!
- Người lao động bị tạm dừng nhận trợ cấp thất nghiệp khi nào?
- Hướng dẫn nhanh các bước làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp
- Nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
- Bạn có biết: Bảo hiểm thất nghiệp được lấy mấy lần?
- Giải đáp: Bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc đóng từ năm nào?
- Hướng dẫn tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116 qua Zalo
Để lại một phản hồi