Thuế thu nhập cá nhân (Thuế TNCN) ngày nay trở thành một khoản thu quan trọng của ngân sách Nhà nước Việt Nam. Bởi nguồn thuế này chiếm vị trí quan trọng trong ngân sách Nhà nước nhằm duy trì, đảm bảo phúc lợi cho người dân. Vậy công dân thuộc đối tượng phải nộp thuế TNCN phải chú ý điều gì? Hãy cùng Lambaohiem tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thu nhập cá nhân là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả khoản thu do một cá nhân kiếm được trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đạt đến một khoản thu nhập nào đó, cá nhân phải nộp thuế TNCN. Vậy, thuế TNCN là gì?
Tìm hiểu khái niệm thuế TNCN
Hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có quyết định cụ thể về thuật ngữ này nhưng người dân có thể hiểu rằng: Thuế TNCN là thuế trực thu tính theo mức thu nhập chính đáng của người nộp thuế. Thuế TNCN được tính sau khi trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh. Mục đích của khoản thuế này là điều tiết thu nhập của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Những đối tượng nào phải đóng thuế TNCN?
Căn cứ vào Điều 2, Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định về đối tượng nộp thuế như sau:
“1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.”
(Theo Điều 2, Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007)
Theo Điều luật trên, đối tượng nộp thuế TNCN là những cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và những cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế trong lãnh thổ Việt Nam.
Mức đóng thuế thu nhập cá nhân
Đối với những công dân có thu nhập cao phải nộp thuế TNCN thì mức đóng và thu nhập chịu thuế là các vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Thu nhập bao nhiêu phải đóng thuế TNCN?
Thuế TNCN được tính theo tháng, quyết toán theo năm. Loại thuế này áp dụng cho các cá nhân sau khi trừ các khoản giảm trừ thuế mà vẫn còn thu nhập. Nói cách khác, khi thu nhập tính thuế >0 thì phải nộp thuế TNCN. Để biết được bản thân có phải đóng thuế TNCN hay không, người lao động dựa vào công thức sau:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
Thu nhập chịu thuế: căn cứ vào Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định thu nhập chịu thuế bao gồm các khoản thu sau đây:
- Thu nhập từ kinh doanh;
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công;
- Thu nhập từ đầu tư vốn;
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn;
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;
- Thu nhập từ trúng thưởng;
- Thu nhập từ bản quyền;
- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại;
- Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng;
- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Các khoản giảm trừ: Khi tính thu nhập tính thuế, người lao động chú ý các khoản giảm trừ như sau:
- Giảm trừ cho bản thân người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng, 132 triệu đồng/năm.
- Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng
- Bảo hiểm bắt buộc (10,5%), quỹ hưu trí tự nguyện (không quá 1 triệu/tháng)
Như vậy, nếu mức lương người lao động nhận được có tổng thu nhập chịu thuế nhỏ hơn tổng các khoản giảm trừ thì người lao động không phải đóng thuế TNCN.
Các loại thu nhập nào được miễn thuế TNCN?
Theo Điều 4, Luật Thuế TNCN năm 2007 quy định về các thu nhập được miễn thuế như sau:
“1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.
3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.
…”.
(Theo Điều 4, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007)
Theo Điều trên, những khoản thu nhập trên được miễn thuế TNCN, công dân khi có một trong các khoản thu nhập này không phải chịu thuế TNCN theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 5 của Luật thuế TNCN năm 2007 quy định: người nộp thuế được xét miễn giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, số tiền được giảm không vượt quá số thuế phải nộp.
Mã số thuế thu nhập cá nhân
Mỗi công dân khi đăng ký đóng thuế TNCN đều có mã số thuế. Thông qua mã số Nhà nước dễ dàng hơn trong việc quản lý thuế TNCN của người nộp và các cá nhân cũng đơn giản hóa việc kê khai khoản thu nhập.
Để đăng ký mã số thuế TNCN công dân cần phải làm gì?
Đăng ký mã số thuế (MST) là bắt buộc đối với người lao động. Dù có thu nhập bao nhiêu, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký MST cho người lao động trước khi quyết toán thuế. Nếu trường hợp người lao động không đăng ký MST cá nhân thì sẽ bị hạn chế nhiều quyền lợi như: người lao động tự quyết toán thuế dẫn tới nhiều rủi ro, không được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, không được hoàn lại phần thuế nộp thừa.
Như vậy, để đăng ký MST cá nhân, căn cứ vào Khoản 3, Điều 33, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14:
- Tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thuế thay cho người lao động trong vòng 10 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Trường hợp các cá nhân tự đăng ký MST, thời gian đăng ký thuế là 10 ngày làm việc tính từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế TNCN hoặc yêu cầu được hoàn thuế.
Để nộp hồ sơ đăng ký MST, trường hợp công dân đăng ký MST ở cơ quan chi trả thu nhập thì công dân nộp hồ sơ tại đó. Trường hợp không nộp thuế tại cơ quan chi trả thu nhập thì nộp hồ sơ đăng ký ở Chi cục thuế theo quy định của pháp luật.
Làm thế nào để tra cứu mã số thuế TNCN?
Để tra cứu mã số thuế TNCN, người dân chịu thuế có thể tra cứu theo các cách sau đây:
Cách 1: Thực hiện tra cứu trên trang web điện tử
>> https://thuedientu.gdt.gov.vn/
Cách 2: Tra cứu trực tiếp trên trang web Thuế Việt Nam
>> http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstcn.jsp.
Cách 3: Tra cứu trên trang web Mã số thuế
Cách 4: Tra cứu bằng Messenger
>> https://www.messenger.com/t/masothue.vn,
Cách 5: Tra cứu trên ứng dụng Tra cứu mã số thuế
Như vậy, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc tra cứu mã số thuế TNCN trở nên dễ dàng hơn đối với những công dân có trách nhiệm nộp thuế.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân
Để tính thuế TNCN, công dân nộp thuế xác định mình thuộc đối tượng nào và từ đó thực hiện tính thuế TNCN.
Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân cư trú
Đối với các cá nhân ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tính thuế TNCN theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản thu nhập được miễn thuế
Trường hợp các cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên, thực hiện tính thuế theo công thức sau:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 10%
Cá nhân không cư trú tính thuế TNCN bằng cách nào?
Với trường hợp các cá nhân không cư trú tại Việt Nam tính thuế TNCN như sau:
Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế x Thuế suất 20%
Trong đó, thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú được xác định bằng với thu nhập chịu thuế của các cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Kết luận
Như vậy, đóng thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân nhằm đảm bảo cân bằng thu nhập của người dân và duy trì phúc lợi xã hội. Để hiểu được thuế TNCN các công dân cần nắm được đối tượng tham gia, mức đóng thuế, tính thuế và đăng ký mã số thuế TNCN. Bài viết mong đem lại thông tin hữu ích cho Quý độc giả!
TIN LIÊN QUAN
- 3 cách tìm mã số thuế cá nhân bằng số cmnd nhanh nhất
- Mã số thuế thu nhập cá nhân là gì? Cách đăng ký MST
- 3 nội dung quan trọng về quyết toán thuế TNCN năm 2022
- Hoàn thuế thu nhập cá nhân người lao động cần biết điều gì?
- Mức đóng thuế thu nhập cá nhân và đối tượng chịu Thuế TNCN
- Tra cứu mã số thuế thu nhập cá nhân trên trang tổng cục Thuế Việt Nam
Để lại một phản hồi