Con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là đối tượng được pháp luật bảo vệ, được tạo mọi điều kiện để phát triển và chăm sóc sức khỏe y tế. Vậy chế độ con nhỏ dưới 12 tháng là gì? người lao động được hưởng những quyền lợi nào? Tất cả sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Chế độ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng là gì?
Chế độ con nhỏ dưới 12 tháng là một chính sách an sinh xã hội thiết thực của pháp luật Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ khi nuôi con nhỏ.
Theo đó, người lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được hưởng các quyền lợi sau:
- Không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa nếu không đồng ý.
- Được chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn nếu đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
- Mỗi ngày được nghỉ 1 giờ trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi mà vẫn được hưởng đủ tiền lương.
- Không bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời gian này.
- Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới nếu hợp đồng cũ hết hạn trong thời gian nuôi con.
- Hưởng chế độ ốm đau khi con ốm và cần chăm sóc.
Những quyền lợi này giúp lao động nữ có thể cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc con cái, đồng thời đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho cả mẹ và bé.
Căn cứ theo các quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 các quyền mà lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được hưởng cụ thể như sau:
(1) Theo điểm b khoản 1 Điều 137 Bộ luật này. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
- Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Theo đó, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu không đồng ý sẽ không phải làm ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa.
(2) Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật này: Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
(3) Theo khoản 4 Điều 137 Bộ luật này: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Lao động nữ được phép thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí việc lịch nghỉ linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Đặc biệt, nếu không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý cho làm việc thì người lao động sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
(4) Theo khoản 3 Điều 137 Bộ luật này: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Nếu sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
(5) Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật này, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ sẽ không bị xử lý kỷ luật. Do đó, người sử dụng lao động sẽ phải chờ đến khi hết thời gian này, đồng thời còn thời hiệu xử lý mới được tiến hành xử lý kỷ luật người lao động.
Ngoài ra, Điều 123 Bộ luật Lao động quy định, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp đặc biệt là 12 tháng. Khi hết thời gian người lao động nuôi con dưới 12 tháng, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu nhưng không quá 60 ngày.
(6) Theo Điều 140 Bộ luật này: Lao động nữ sau khi nghỉ thai sản và quay trở lại làm việc sẽ được bảo đảm việc làm cũ mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.
Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Đồng thời, nếu hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì lao động nữ còn được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới (khoản 3 Điều 137 Bộ luật này).
(7) Theo Điều 141 Bộ luật này đã ghi nhận về quyền lợi khi người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau. Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng theo chế độ của bảo hiểm xã hội.
Căn cứ Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi con bị bệnh nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện:
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.
- Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Những quyền lợi này giúp đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và trách nhiệm chăm sóc con cái cho lao động nữ, tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp tục công việc mà vẫn đảm bảo sức khỏe và thời gian cần thiết cho con nhỏ.
Làm bảo hiểm hy vọng những chia sẻ trên là hữu ích với bạn. Nếu bạn cần thông tin chi tiết hơn về các thủ tục liên quan, bạn hãy để lại ý kiến của mình dưới phần bình luận của bài viết này. Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Có thể bạn quan tâm!
- Người tham gia rút bảo hiểm xã hội 1 lần ở đâu?
- Người lao động mất sổ có được rút BHXH một lần không?
- Đang đi làm có được rút bảo hiểm xã hội một lần không?
- Có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không?
- Lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu từ khi nào?
- Đăng ký nhận lương hưu và tiền trợ cấp bảo hiểm qua thẻ ngân hàng
Con tôi 16 tháng tuổi được hưởng quyền lợi như thế nào
Cảm ơn chị Hương đã quan tâm. Đối với trẻ 16 tháng tuổi sẽ được hưởng quyền lợi về Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi chị nhé. Theo đó, căn cứ tại Khoản 7, Điều 3, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Khoản 6, Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014 thì trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng được cấp thẻ và hưởng bảo hiểm y tế miễn phí (Nhóm do ngân sách nhà nước đóng), cha mẹ không phải đóng phí BHYT cho cho con đến khi bé được 6 tuổi.
Như vậy, bé nhà chị Hương sẽ chỉ được hưởng quyền lợi về BHYT thôi ạ.
Trân trọng!